Khi nào nên làm thương hiệu?

Phần lớn người khi khởi nghiệp kinh doanh thường chọn một sản phẩm nào đó phù hợp với nhu cầu thị trường, sau đó nhập sản phẩm về bán. Và nếu làm tốt thì sẽ mở rộng thêm các sản phẩm khác, hoặc khi có được thị trường ổn định rồi thì sẽ tự sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng. Lúc đầu họ có thể chưa cần đến việc làm thương hiệu. Nhưng ở giai đoạn sau thì yếu tố thương hiệu lại có sự quyết định rất lớn trong mô hình kinh doanh.

Hoặc một số mô hình dịch vụ, hoặc các ngành F&B thì thường sẽ phải có những tiêu chí về thương hiệu trước khi bắt tay vào kinh doanh. Họ cần hiểu được sự nhu cầu của khách hàng và các đối thủ trên thị trường để tìm ra được định vị khác biệt. Điều này rất quan trọng, vì nếu chúng ta không có được định hướng ban đầu, không tìm ra sự khác biệt và những điểm tương đồng để cho khách hàng hiểu tại sao họ lại phải mua hàng từ phía chúng ta thì thương hiệu sẽ rất khó đứng vững được. Ngoài ra họ còn phải tính đến bài toán dài hạn khi mở rộng sản phẩm và thị trường thì lúc đó thương hiệu của họ sẽ trở nên như thế nào?
Trong cả 2 dạng mô hình trên những người làm kinh doanh phải luôn đặt mình vào góc nhìn của một người có tầm nhìn kinh doanh dài hạn. Một nhà kinh doanh thực thụ sẽ không bao giờ giới hạn góc nhìn của mình ở những bài toán có được lợi nhuận trong ngắn hạn, mà họ phải nhìn xa hơn. Và lúc nhìn dài hạn đó họ phải hình dung được sau này họ sẽ xây dựng thương hiệu của mình như thế nào.
Vậy việc hình dung về kết quả dài hạn của một mô hình kinh doanh, đó chính là lúc họ đã bắt đầu hình thành khái niệm “làm thương hiệu” ở trong đầu rồi. Và bước này chính là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu. Đó chính là xác định một tầm nhìn dài hạn cho thương hiệu.